nghĩ đi, 500 ngàn một lần… có đau một chút cũng ráng, chứ như tui, ai thèm đi giá đó!
Nói rồi Phượng sầu đời quay lưng, bước nhanh đến bấm chuông, hắn chưa vội vòng xe đi, bần thần nhớ lại lúc sốt mê mang, bà già la lên cái gì tha mạng, cái gì đau, cái gì roi da, cái gì còng sắt… lạnh người.
Sáng hắn lại thấy bà Phượng chờ mình, lần này vừa ngồi lên xe bà già như bất tỉnh, gục hẳn đầu vào vai hắn, mặc cho hắn muốn đưa về đâu thì đưa. Hắn kịp thấy mép quần thun bà Phượng bê bết máu. Cái thứ khốn nạn nào coi đàn bà rẻ như vậy? Hắn lồng lộn trong lòng nhưng chẳng biết phải giải quyết ra sao.
Thằng Hiếu về nhà, thấy bà Phượng nằm đau đớn, nghe Hậu nói qua loa gì đó, thì vội vàng ra gặp hắn.
Cũng lúc đó bà Phượng lết ra ngoài bậc thềm, gào lên.
- Thằng khốn nạn! Tao lạy mày đừng phá chén cơm của tao… rồi tiền đâu cho mày hút chích hả?
Thằng con nhìn bà má già, nuốt nước miếng khan đánh ực, chạy đi mất. Chắc nó cũng đang lên cơn nghiện dữ dội lắm.
***
Một tuần sau nữa, Phượng sầu đời kêu hắn chở đi làm, lại là con hẻm vắng đến rợn lòng người. Nhìn dáng bà Phượng vừa sợ, vừa run trả nón bảo hiểm cho hắn, cũng chẳng dặn dò gì vì biết ngày mai 7 giờ hắn sẽ đến đón. Hắn thấy lòng đau như cắt.
- Bà! Cầm cái này rồi tui chở về nhà!
Hắn móc túi áo, gom làm sao ra một sấp toàn 10 ngàn, 20 ngàn đưa cho Phượng sầu đời.
- 500 đó, khỏi đếm. Đi về ngủ cho tui.
Bà Phượng lúng túng, chẳng biết làm sao, khi vừa ngồi lên xe thì hắn đã rồ ga vụt đi mất, thoát ra khỏi bóng tối ngập ngụa của con hẻm vắng như muốn nuốt chửng cả hai người.
Về đến xóm đĩ, hắn để bà Phượng trước cửa phòng Hậu rồi dắt xe vô phòng mình, quay lại định đóng cửa đã thấy bà Phượng đứng bên trong.
- Đi về ngủ đi, bà tính làm gì nữa?
Phượng sầu đời không nói tiếng nào, quay qua đóng cửa phòng hắn, rồi cởi hết áo đang mặc trên người ra, nói gọn lỏn.
- Cậu trả tiền, thì tui phải ngủ với cậu.
Hắn nhìn bà già, cặp ngực đã chẳng còn nằm ở nơi nên nằm, lớp phấn son rẻ tiền bơn bớt trên mặt nhìn như vừa bị ai tát, thứ nước hoa vài chục ngàn bán ngoài chợ tanh như mùi đàn bà hết thời nồng nặc. Phải chi, bà già đẹp như mấy con người mẫu áo tắm treo khắp phòng hắn, thì hắn còn ráng, chứ đằng này, nhìn thấy chẳng ngóc đầu dậy nổi thì làm ăn cái gì?
Hắn hỏi, giọng thẳng tưng.
- Tui hỏi bà, đàn ông đi chơi gái để làm gì?
- Để sướng. – Bà Phượng lúng túng một lát cũng trả lời được.
- Bà làm ơn mặc đồ vô, đi về phòng ngủ một giấc cho yên lành đến sáng giùm tui. Vậy là tui thấy sướng rồi!
Đêm đó tự dưng đang mùa khô mà mưa nặng hạt. Tiếng gió rít nghe cứ rờn rợn, thê lương.
***
Bẵng đâu một thời gian tạm yên bình, Phượng sầu đời lại vất vưởng ở khu cầu Thị Nghè, Hậu vẫn ôm cái bụng bầu đi khám hàng tuần, lần nào cũng đưa hắn dư dả tiền xe ôm. Thằng Hiếu lâu lâu về lấy một mớ tiền rồi bỏ đi tìm quên ở mớ khói trắng xác như xương người chết lâu năm. Hắn đã quen việc nghe mẹ chủ nhà tru tréo chửi.
Mấy lần chở Hậu đi khám thai, cứ thấy mặt rầu rầu, khó diễn tả.
- Bệnh đàn bà nó vậy. Lúc cần tiền thì mạnh miệng lắm, chứ làm mẹ rồi, có nhiêu tiền cũng không muốn xa con mình đâu cậu. Nhất là con so nữa!
Hắn chẳng phải đàn bà, hắn chẳng biết. Hắn chỉ thấy lợm giọng nhìn cái vẻ ẻo lả của thằng cha là chủ nhân cái bầu trong người Hậu. Có lần gã còn sấn tới nói chuyện.
- Anh chở nó về cẩn thận. Có gì là… anh chết với em.
Nói rồi thằng bóng già đưa tay vỗ cái bốp vào mông hắn. Nếu chẳng phải chỗ đông người, hắn đã đấm vào mặt gã một phát cho bỏ tức.
Đêm chừng hai ba giờ sáng, hắn đang say giấc, bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Là Phượng sầu đời.
- Cậu, cậu… cậu làm ơn, lấy xe chạy ra ngoài đầu đường, đứng xa xa một chút chờ tui. Việc gấp, liên quan đến mạng người.
Hắn chưa hiểu ất giáp gì, nhưng cũng vội làm theo.
Được đâu chừng nửa tiếng, thấy bà Phượng với con Hậu xách theo một cái giỏ xách băng băng đi sang phía hắn.
- Cậu chở nó ra bến xe miền Đông gấp giùm tui. Sáng mai có ai hỏi, cậu cũng nói không biết gì nghen. Coi như làm ơn cứu vớt đời nó.
Nói rồi bà Phượng nắm chặt tay Hậu, bóp nhẹ như truyền thêm nghị lực, xong thì quay lưng lấm lét nhìn trước sau, trở về xóm đĩ.
Hậu ngồi sau xe hắn, im lặng cả đoạn đường, đến khi hắn hỏi mới lí nhí trả lời.
- Tui về quê… chứ… giờ không đành lòng bỏ con mình được. Để nó sống với một người cha như vậy, tui sợ… nó bị cha mình ăn thịt luôn anh ơi.
Bến xe đêm vắng người, Hậu vào mua vé đi về cái tỉnh nào mà chắc cũng lần đầu tiên hắn biết đến trong đời. Hậu quay ra, dúi vào tay hắn cọc tiền.
- Anh cầm về đưa cho Phượng sầu đời giùm tui. Nói là cả đời này tui không quên bả đâu. Còn cái này, là tiền xe ôm tui trả anh… chắc lần cuối. Giữ gìn sức khỏe nha.
Hắn chưa kịp nói câu nào, đã thấy Hậu bước lầm lũi trở vào bến xe, mất khuất sau những băng ghế chờ thưa thớt khách. Hậu lui cui làm gì đó, rồi vứt lại cái sim điện thoại, vậy là đã trốn khỏi quá khứ đen tối, trốn luôn khỏi nó và bà Phượng sầu đời.
***
Trưa hôm sau, hắn nghe cả xóm đĩ rền vang tiếng bà chủ nhà.
- Đ.m mày, tao cho mày mướn chỗ ở giá rẻ, kiếm khách cho con đĩ già như mày mà giờ mày phản tao. Nói! Con Hậu nó đi đâu?
Bà chủ một tay nắm tóc Phượng sầu đời giật ngược lên, miệng thì chửi xa sả vào mặt.
- Tui không biết! Tối qua tui ngủ say nên đâu có biết gì…
Chưa hết câu, bà chủ nhà đã tát bôm bốp vô mặt bà Phượng.
- Không biết hả? Mày dám lừa tao hả con kia? Tối qua con Diễm Cheo nó thấy mày dắt tay con Hậu cầm theo cái giỏ xách, không phải mày dẫn nó đi trốn thì đi đâu? Giờ mày lì phải không? Tụi bây đâu, đánh nó cho tao, nó chịu khai thì thôi.
Trong lúc hai thằng ma cô nhào vô đấm đá túi bụi cái thân thể rũ rượi của bà Phượng, con mẹ chủ nhà đã bóc điện thoại lên, giọng ngon ngọt.
- Jennifer đừng giận chị mà, chị nào có biết con quỷ cái đó gan vậy đâu. Để chị kiếm nó về cho em. Con của em thì ai mà dám dắt đi. Lỡ mà xui rủi, chị kiếm đứa khác đẻ giùm em. Thôi mà… thôi mà… người đẹp đừng có giận, chị biết lần đó ráng lắm mới được… để chị cố gắng tìm cho nha.
Hắn ngồi trong phòng trọ nhìn ra, thấy mình hèn và khốn nạn vô cùng cực. Thằng đàn ông sĩ diện muốn nhào ra cứu bà Phượng, thằng đàn ông hèn nhát lại xui cứ núp đi, nhào ra cho ăn đòn, rồi bọn nó lại bắt đi tra hỏi luôn thì sao? Đánh chán chê mà không biết thêm được gì, hai thằng ma cô quăng Phượng sầu đời nằm ở cửa phòng, lúc này hắn mới lò mò đi ra, đỡ bà gái già vô phòng nằm nghỉ. Vừa tỉnh được một chút, thấy hắn, Phượng sầu đời nắm tay, nói khẽ.
- Cậu đừng nói con Hậu đi đâu nha… Tội nó, không có tiền thì cha nó chết. Mà không giữ được đứa con, thì nó cũng chết. Làm đàn bà… khổ lắm cậu.
Nói được đến đó, miệng bà Phượng ộc ra bụm máu tươi, ướt đẫm tay hắn. Hắn tức tốc ẵm bà già trên tay, đặt bà lên chiếc xe cà tàng của mình, một tay giữ bà sau lưng, một tay lái đến bệnh viện gần nhất. Bọn ma cô toan cản, nhưng thấy máu cứ trào ra từ miệng bà Phượng thì sợ án mạng nên thôi. Đến bệnh viện rồi, khi bà Phượng đã nằm cho người ta chẩn đoán bị đánh giập lá lách nên máu mới trào ra như vậy, may mà đưa vào viện kịp thời, hắn mới sực nhớ ra vì sao ban nãy không gọi chiếc taxi, có phải đỡ hơn không.
Chiều, hắn về nhà lấy chút quần áo, gom số tiền tối qua Hậu đưa vô bệnh viện lo trả viện phí thì nghe người trong xóm bàn tán gì đó xôn xao.
- Hồi nãy thằng Hiếu nó về, nghe kể chuyện thì như con chó điên lao đi, chẳng biết đi đâu. Cầu trời nó đừng có quậy, thằng đó nó có máu khùng trong người đó, cái gì cũng dám làm.
Hắn nghe rồi bỏ đi, cái gì đến thì đến, chứ lo làm sao hết?
***
Đêm, Phượng sầu đời tỉnh dậy sau giấc ngủ đau đớn kéo dài mấy tiếng vừa qua. Câu chuyện của bà gái già làm hắn không thấy buồn ngủ.
- Thằng Hiếu có phải con tui đâu cậu. Nó là con của con bạn tui, cũng làm gái, không may chết sớm nên tui nuôi giùm, rồi coi như con mình. Chiều cậu về, có nghe tin tức gì của nó không? Tui sợ nó làm càng quá.
Chưa đầy nửa tiếng sau, đã thấy thằng Hiếu xuất hiện trong bệnh viện, mặt nó tái xanh, hơi thở nặng nhọc, giọng còn run lập cập.
- Bà già! Tui… tui đốt cái xóm đĩ đó rồi.
Cả hắn và Phượng sầu đời trân mắt nhìn thằng nhỏ. Bà Phượng hỏi được “cái gì” thì ho khan, máu lại tóe ra từ miệng.
- Chiều tui nghe nó đánh bà, tui tức quá nên đi mua can xăng, chờ đến tối thì châm lửa đốt nhà con mẹ chủ. Không biết nó có chạy ra kịp không, hay thành heo quay trong đó. Giờ… tui đi tự thú. Có chết thì chết trong tù cũng được, chứ không để tụi nó bắt rồi đánh cho chết đâu.
- Trốn cả đời rồi, giờ trốn gì nữa! Kệ, giang hồ mà, ra dáng đàn anh một chút có sao đâu. Nếu con mẹ chủ nhà không chết, thì ở vài năm là cùng, không tử hình đâu, bà già yên tâm.
Thằng nhỏ nói xong, hít một hơi dài, khó khăn lắm mới nói được câu cuối.
- Má! Má nghe lời tui… đừng làm đĩ nữa nha.
Rồi nó vụt chạy ra khỏi cửa. Bà Phượng bưng mặt khóc. Hắn chạy theo. Chỉ kịp thấy thằng Hiếu đứng từ xa xa, chụm tay lại hét.
- Nếu được, anh làm ơn lo cho bà già giùm tui.
Nói xong nó lao vút vào màn đêm.
***
Hắn trở lại xóm đĩ, nghe người ta nói may mà không có ai chết cháy, nhưng tài sản thì gần như mất sạch. Cái xóm nghèo nhà toàn bằng gỗ mục dựng vách chấp vá, có tí xăng vô là cháy thấy thương. Bao nhiêu tài sản giờ thành tro, bà chủ nhà ngồi khóc tu tu như đứa trẻ, còn mặc trên người bộ đồ ngủ cháy xém một bên, ngực thả rông cứ đong đưa theo mỗi tiếng nấc.
Anh Chính Văn Quyền và ông Địa Văn Phương nhà cũng trong hẻm nên thiệt hại không kém, không hiểu sao lúc nguy cấp mà cũng còn nhớ ôm cái tĩnh rượu ngâm rắn hổ mang chạy khỏi đám lửa. Nhưng chẳng may trợt chân, hủ rượu vỡ tan tành, đến đây mới phát hiện ra mấy con rắn toàn rắn cao su, để vô cho hoành tráng chứ uống vào chắc chết sớm hơn thường lệ. Hai thằng cha thấy bị lừa, giận tím người.
Hắn có chút tiếc mớ quần áo rách rưới của mình trong căn phòng cuối xóm, may mà chiếc xe máy đã lấy gởi ở bệnh viện. Nhưng thôi kệ, tiếc làm chi thứ đồ giẻ rách đó. Nhìn mấy căn nhà vẫn còn mồi lửa đỏ âm ỉ, hắn quay lưng, bước thong thả đi khỏi.
Cũng là lúc tấm biển “Khu phố văn hóa” rơi xuống đất cái rầm.